ACK

‘Sự tranh cãi bất đồng quan điểm hoặc kết thúc trong bất hòa, hoặc dẫn tới sáng tỏ những hoài nghi. Là mô hình hai mặt vấn đề điển hình, rõ ràng sẽ chẳng có lựa chọn tốt nhất hiển hiện, nhưng ta vẫn phải chọn. Bởi nếu không, ta sẽ cứ đứng yên một chỗ, trong khi những kẻ khác lại đang tiến lên. Ta không ngần ngại khơi ra tranh cãi, có như vậy thì mới tường được đúng sai. Lẽ đúng điều sai chẳng bao giờ được quyết định bởi ý chí của thế hệ tiền nhân, càng chẳng phải quyết định bởi cảm xúc nhất thời hay quan điểm bảo thủ của kẻ đang sống, nó được quyết định bởi cái nhìn toàn tri (omniscience). Để đạt được cảnh giới toàn tri, ta phải có tri thức về vạn vật. Rồi chính tri thức sẽ quyết định nhận thức, từ nhận thức cho phép ta thấu hiểu sự vật và sự việc để đưa ra hành động đúng đắn. Cho những kẻ trẻ người non dạ trí óc còn sơ khởi được tinh thông, ta sẽ ví dụ. Tri thức nửa vời về nấm mách bảo nhận thức rằng nấm là thứ ăn được. Tri thức toàn diện thì lại mách bảo nhận thức rằng loại nấm nào là ăn được và loại nấm nào là độc chết người. ... Hai kẻ bất đồng quan điểm cãi nhau thì rõ ràng là đang có sự thiếu vắng tri thức hiện diện đến từ một trong hai. Sẽ là bi kịch biết mấy nếu cả hai đều thiếu hụt tri thức nhưng lại đang nắm trong tay quyền sinh sát. ... Thầy truyền dạy ta tri thức. Ta tôn kính Thầy, nhưng điều đó không có nghĩa là ta đồng tình tiếp nhận hết tất cả tri thức Thầy trao cho và xem đó như là chân lý. Thầy là bậc thông thái, nhưng chưa phải là toàn tri. Thầy dạy ta nhưng ta cũng phải tự giáo dục mình. Ta phải nghi ngờ mọi thứ, và tự mình làm sáng tỏ mọi thứ, bằng cách quan sát và lắng nghe mọi thứ xung quanh, bằng cách học hỏi từ kẻ có kiến thức, bằng cách nghiên cứu các tri thức cổ xưa còn xót lại, bằng cách tranh cãi với kẻ bất đồng chính kiến... Có làm như vậy mới đưa ta từng bước gần hơn tới cảnh giới toàn tri, mọi thứ ta nghĩ đều thành chân lý. Thầy dạy rằng có những tri thức cũ và những tri thức mới. Cái mới sẽ là điều đúng đắn thay thế cái cũ. Ta nói rằng chỉ có tri thức sơ khởi và tri thức bổ sung. Tri thức sẽ được bổ sung không ngừng cho tới khi đạt được sự lý giải toàn diện. Tới lúc đó ta cũng sẽ trở nên toàn tri, nhưng con đường hoàn thiện vẫn còn xa vời lắm. ... Phụ nữ là căn nguyên chiến tranh, Thầy dạy vậy. Không, là Thầy từng tin vậy. Về sau Thầy cũng phải thay đổi quan điểm - lòng tham chiếm hữu là căn nguyên, là động lực thúc đẩy chiến tranh. Ta vẫn chưa đồng ý với Thầy về điều này. Ta sẽ đi từng bước diễn giải. Chiến tranh đơn giản cũng chỉ là một trò chơi, có người chơi, có kẻ thắng người thua, có phần thưởng trao giải. Nhưng chiến tranh không phải là trò chơi giải trí, chiến tranh là trò chơi đặt cược, kẻ thắng tất nhiên sẽ có phần thưởng và kẻ thua sẽ phải chịu thiệt hại. Chiến tranh cũng là trò chơi giành giật, phân ra hai dạng điển hình. Một - chiến tranh cưỡng đoạt-tự vệ: bên này muốn một thứ của bên kia và bên kia từ chối chia sẻ. Hai - chiến tranh tranh giành: hai bên cùng giành giật nhau một mục tiêu không thuộc sở hữu. Nhìn chung, dù là dạng nào thì cũng thấy rõ là các bên tham chiến đều tranh giành quyền chiếm hữu một mục tiêu. Mục tiêu đó có thể là hữu hình vật thể hoặc trừu tượng phi vật thể. Đặt câu hỏi “tại sao chiến tranh xảy ra” cũng như đặt câu hỏi “mục tiêu tranh giành có giá trị quan trọng như thế nào đối với các đấu thủ tham gia”. Liệu giá trị đó sẽ ở mức “không cần thiết”, “cần” hay “bắt buộc”? Chiến tranh tuyệt nhiên không phải là trò chơi giải trí của trẻ con, đó là trò chơi một mất một còn, đấu thủ phải đem tính mạng của mình ra đặt cược, vì thế giá trị vật tranh giành phải là “bắt buộc”. Ít nhất thì cũng phải là “cần”, chứ không thể nào là “không cần thiết”. Nếu một cuộc chơi mà đấu thủ phải đặt cược bằng “tính mạng” của mình để “bắt buộc” có được một thứ, thì thứ đó phải là gì? “Sự tồn tại”, đó là câu trả lời duy nhất. Khi xét tới việc “cưỡng đoạt từ kẻ khác để đảm bảo cho sự tồn tại của mình” thì sẽ có kẻ không đồng tình, và cho rằng đó lại là hành vi bị thúc đẩy bởi lòng tham cá nhân. Lòng tham vật chất là thứ hiện hữu trong mỗi cá nhân. Và xã hội thì có ba nhóm người với mức độ tham lam khác nhau: kẻ có thể kiềm chế lòng tham, kẻ không muốn kiềm chế lòng tham và những kẻ lòng tham vẫn còn đang yên ngủ. Nhưng trước hết, lòng tham là gì? Là khi ta cứ tìm cách chiếm hữu lấy hết tất cả, kể cả khi ta đã có thứ ta cần thì ta vẫn không thể ngừng việc thâu tóm lại. Vậy thứ gì đã nảy sinh ra lòng tham chiếm hữu? Những kẻ chẳng giải thích được, cứ đơn giản tin rằng đó do là bản chất của mỗi người chúng ta có sẵn. Ta thì có lời lý giải thích đáng. Hãy nhìn xem, một kẻ khi chiếm hữu được tài sản vật chất vượt quá nhu cầu tức thời của mình, thì hắn sẽ làm gì với mớ tài sản dư thừa đó? Hắn cất trữ. Cho mục đích dự phòng khi gặp biến cố. Là thứ bản năng sinh tồn để lại từ tổ tiên xa xưa của ta. Sắc màu sống động của thế giới cổ xưa đang dần tan biến dưới sức phá hoại tàn khốc của thời gian, cho đến nay chỉ còn lưu dấu mờ nhạt trên những bức tranh đồng, tranh đất, tranh hang với những đường nét khô cứng tối giản; trong những vần thơ khúc ca bằng cổ ngữ ngày nay không còn mấy ai hiểu; qua những phong tục, hủ tục, lễ nghi truyền thống nối tiếp nhiều đời... Sắc màu cổ xưa đến nay còn lại quá ít ỏi, nhưng ta vẫn nghiệm và ngộ ra một góc nào đó của thế giới cổ xưa. Ngay từ thưở xưa, con người đã tự nhận mình là giống loài thượng đẳng, là sinh vật duy nhất nhận thức được sự tồn tại của Tagia và có bổn phận cao cả phải tôn thờ Đấng Linh Thiêng, sinh ra là để thống trị muôn loài và chinh phục mọi vùng đất. Ta thì biết rõ rằng chúng ta không khác biệt, chúng ta tương đồng với vạn vật, chúng ta cùng tồn tại với chúng sinh, chúng ta đều nằm trong vòng xoay luân chuyển bất tận của sự sống và cái chết. Dưới đôi mắt của vì sao, ta nhỏ bé và mù lòa như là giống kiến. Như muôn loài, con người sống là để tồn tại, phải tồn tại để sống, phải tranh đấu với cái chết, tranh đấu với Vudai để còn sống mà tôn thờ Tagia. Để tồn tại qua ngày qua tháng, người cổ xưa săn bắt hái lượm, kiếm sao cho đủ cái ăn. Để tồn tại qua năm, con người cổ xưa gom góp tích trữ lương thực cho thật nhiều, đủ để chống chọi lại mùa Đông giá lạnh. Như chính giống sóc tích trữ hạt khô, hay như loài gấu ăn cho béo thây rồi cuộn mình ngủ Đông. Rồi con người cổ xưa ngày càng có ý thức tích trữ nhiều hơn, không hẳn chỉ là cho mùa Đông, mà còn là để ứng phó trước muôn vàn biến cố có thể ập đến bất chợt như thiên tai, mất mùa, dịch bệnh... Mỗi cá nhân đều ý thức lao động vì sự tồn tại của mình. Sẽ có những cá nhân hoặc nhờ vào phẩm chất vượt trội, hoặc nhờ vào vận hạnh mà tích góp được nhiều. Nhưng cuộc đời thì lại luôn bất công, sẽ có những cá nhân chẳng kiếm được gì. Vì sự tồn tại, những kẻ chẳng kiếm được gì sẽ đòi hỏi ở những kẻ kiếm được, có thể bằng lời lẽ van xin, mà cũng có thể là vũ lực cưỡng đoạt. Mầm mống đầu tiên của tranh đoạt khởi nguồn từ đây. Mà nếu xét lại, con người vẫn có phần vượt trội hơn muôn loài, bởi chúng ta đã hình thành nên trật tự xã hội, dù là hoang sơ như thời các bộ lạc khởi thủy. Người xưa có lẽ đã đủ khôn ngoan khi nghĩ tới việc dập tắt ý nghĩ tranh đấu lẫn nhau giữa cá nhân trong bộ lạc. Đó là bằng việc đem chia đều mọi chiến lợi phẩm săn bắt, gặt hái được cho tất cả thành viên. Và ở cấp độ các bộ lạc, nguy cơ xảy ra tranh đoạt bị tiêu trừ bằng việc cam kết không xâm phạm đất của nhau. Cứ như thế, ý thức chiếm hữu lẫn lòng tham bị ngủ quên trong suốt nhiều thế hệ, cho tới khi Tiền Vương xuất hiện. Vị vua đầu tiên không chỉ đánh thức ham muốn chiếm hữu vật chất, mà còn sinh ra ham muốn chiếm hữu con người, con người trở thành một thứ tài sản để tranh đoạt. Chiếm hữu giống đực để nô dịch, để tồn tại tức thời. Chiếm hữu giống cái để sinh sản, để tồn tại qua thế hệ. Ngay cả trong một đám trẻ con luôn có một đứa chuyên đi bắt nạt, bằng cách đó nó thể hiện uy quyền chiếm hữu những đứa khác. Nhẹ thì cưỡng đoạt kẹo và đồ chơi, nặng thì sai khiến theo yêu cầu. Trong tranh đoạt, đôi khi, việc ta tiêu diệt một đối tượng chẳng phải vì ham muốn chiếm hữu đối phương, mà là vì nỗi lo sợ đối phương sẽ tìm cách tiêu diệt ta. Đối phương lúc này được xem là mối nguy cơ tiềm ẩn chống lại sự tồn tại của ta. “Tiên hạ thủ vi cường”, người cổ xưa còn sống sót đã để lại lời răn dạy này cho đời sau. Kể cả khi chẳng thể tiêu diệt đối phương - có thể vì khả năng chưa đủ, có thể vì muốn nô dịch đối phương sau này - nỗ lực tối thiểu mà ta cần phải làm là một cú đánh dằn mặt, nhằm dập tắt mọi tư tưởng đối địch. Đã có thể kết luận rằng, để tồn tại yêu cầu phải có sự tích trữ của cải tài sản. Để có tài sản hoặc tự tạo ra, hoặc cưỡng đoạt từ kẻ khác, hình thành ham muốn chiếm hữu, và cuối cùng là tranh đoạt. Câu hỏi tiếp tục đặt ra, “nếu ham muốn chiếm hữu là để đảm bảo sự tồn tại, tại sao sự ham muốn đó lại không có điểm dừng, kể cả khi một kẻ đã tích trữ quá dư dả, cuối cùng là sinh ra căn bệnh lòng tham không đáy?” Sự dư dả mà ta thấy đó chỉ là định mức ta áp đặt cho một tiêu chuẩn tồn tại thông thường, dùng để duy trì sự tồn tại chống lại các biến cố khả đoán (dự đoán trước được), như là thiên tai theo mùa hằng năm, thất thu mua màng. Kiểu biến cố này có quá ít trường hợp để ta có thể nghĩ ra. Những biến cố bất khả đoán (xảy ra bất ngờ) thì lại vô số kể để khiến lắm kẻ phải lo sợ mà tìm đủ cách lo liệu. Biến cố tự nhiên thì có kiểu thiên tai động đất, đại dịch, bệnh tật, hạn hán bất thường... Biến cố xã hội thì lại có chiến tranh, đảo chính, bị cướp, bị cưỡng đoạt, bị ám sát, tai nạn... Nếu ham muốn chiếm hữu là nỗi sợ chống lại các biến cố khả đoán ảnh hướng tới sự tồn tại, thì ham muốn chiếm hữu vô hạn là nỗi sợ chống lại các biến cố bất khả đoán, có thể gây thiệt hại vượt mức dự trữ phòng bị tức thời và chấm dứt sự tồn tại. Vậy nên, vẫn “bảo toàn sự tồn tại” chính là động lực của chiến tranh và xung đột. -Leonin ký trình-’

Be the first to comment

You can use [html][/html], [css][/css], [php][/php] and more to embed the code. Urls are automatically hyperlinked. Line breaks and paragraphs are automatically generated.